Tin tức

(Dân trí) – Apple, Amazon và các công ty công nghệ phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất từ chính sách thuế, nhưng một số công ty phần mềm lại có thể có lợi.

                      Tổng thống Donald Trump công bố bảng thông tin áp thuế đối với một số quốc gia (Ảnh: Wired).

Theo các chuyên gia nghiên cứu về thương mại toàn cầu, mức thuế đối ứng do Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công bố hôm 2/4 sẽ tạo ra hiệu ứng domino tiêu cực trên toàn ngành công nghệ.

Cú giáng mạnh mẽ vào thương mại điện tử

Theo đó mức thuế tối thiểu 10% được áp dụng với tất cả các quốc gia và thuế nhập khẩu mới đối với các đồng minh thương mại chính của Hoa Kỳ như Châu Âu, Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ và Hàn Quốc đã khiến cổ phiếu lao dốc sau đó.

Gã khổng lồ công nghệ Apple kiếm một nửa doanh thu của mình bằng cách bán điện thoại được sản xuất tại Trung Quốc và Ấn Độ, trong khi một số linh kiện sản phẩm khác của hãng được sản xuất tại Việt Nam. Nhà sản xuất này đã ghi nhận mức cổ phiếu giảm 6%.

Trong khi, giá cổ phiếu của Meta và Nvidia đều giảm 5% và Amazon giảm khoảng 6%.

Thị trường mua sắm trực tuyến của Amazon cũng phụ thuộc rất nhiều vào hàng hóa do các bên thứ ba bán tại Trung Quốc.

Những đợt sụt giảm thị trường này có thể chỉ là khởi đầu. Nhiều nhà kinh tế cảnh báo rằng Nhà Trắng đã khởi động một trong những thay đổi lớn nhất trong thương mại toàn cầu trong nhiều thập kỷ và kết quả sẽ khiến giá cả cao hơn cho người dùng Hoa Kỳ và lạm phát nhiều hơn.

                                        Cổ phiếu của Việt Nam đỏ lửa sau khi ông Trump áp thuế đối ứng (Ảnh chụp màn hình).

Đầu tuần này, Goldman Sachs đã nâng khả năng suy thoái của Hoa Kỳ trong 12 tháng tới lên 35%, tăng từ 20%.

“Có ý kiến cho rằng người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho hàng hóa của Mỹ và đến nay không có bằng chứng nào cho thấy điều đó từng xảy ra”, chuyên gia thương mại Tibor Besedes, Trường Kinh tế thuộc Viện Công nghệ Georgia (Mỹ) cho biết.

Một số mức thuế mới dành riêng cho từng quốc gia, chẳng hạn như mức thuế áp dụng cho Vương quốc Anh, Chile và Brazil, tương đối thấp.

Một số mức thuế khác áp dụng cho Trung Quốc, Campuchia, Việt Nam, Đài Loan, Ấn Độ và Thái Lan, cao hơn nhiều, dao động 26-49%.

Hiện tại, chỉ có một loại hàng nhập khẩu công nghệ được Tổng thống Trump miễn trừ chính là chất bán dẫn.

Điều đó có nghĩa là các công ty Hoa Kỳ như Nvidia, vốn đặt hàng các chip tiên tiến do Tập đoàn Sản xuất Bán dẫn Đài Loan (TSMC) sản xuất, để sử dụng trong các card xử lý đồ họa AI của mình sẽ không phải trả mức thuế 32% mà Tổng thống Trump áp dụng cho Đài Loan.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu TSMC có phải chịu mức thuế chung 10% mà ông Trump cũng đã công bố hay không.

Theo một ước tính, khoảng 44% chip logic nhập khẩu vào Hoa Kỳ đến từ Đài Loan.

Trong lĩnh vực công nghệ, thuế quan của ông Trump có thể giáng một đòn mạnh nhất vào thương mại điện tử.

Các nhà bán lẻ trực tuyến và những thương hiệu thiết bị tiêu dùng sẽ cảm thấy “đau đớn”, theo chủ tịch công ty tư vấn Eurasia Group, Ian Bremmer.

Ngoài việc áp dụng mức thuế quan sâu rộng, ông Trump cũng đã ký một sắc lệnh hành pháp chấm dứt lỗ hổng thương mại đối với các gói hàng từ Trung Quốc và Hồng Kông, cho phép người tiêu dùng Mỹ trực tiếp nhập khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ có giá trị dưới 800 đô la mà không phải trả bất kỳ khoản thuế nào.

Đây vốn được gọi là miễn trừ “de minimis”, nó đã được các gã khổng lồ mua sắm Trung Quốc Shein và Temu sử dụng để gửi hàng triệu gói hàng đến Hoa Kỳ mà không phải trả thuế mỗi năm, giúp giữ giá sản phẩm của họ ở mức thấp cho người dùng Mỹ.

Miễn trừ này cũng quan trọng đối với các thị trường như eBay và Etsy cho phép mọi người ở Hoa Kỳ mua hàng từ những người bán có trụ sở tại Trung Quốc.

Việc hủy bỏ miễn trừ này cũng tác động tiêu cực đến các công ty Trung Quốc mà ngay cả Amazon (Mỹ) cũng bị ảnh hưởng, công ty gần đây đã ra mắt một bộ phận sản xuất các sản phẩm giá rẻ tại Trung Quốc, cạnh tranh trực tiếp với Temu và Shein.

Trước đó, Tổng thống Trump đã hủy bỏ điều khoản “de minimis” đối với các gói hàng của Trung Quốc vào tháng 2 thông qua một sắc lệnh hành pháp riêng biệt.

Nhưng ông đã nhanh chóng rút lại biện pháp này sau khi Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ không có đủ nguồn lực để kiểm tra hàng triệu gói hàng mỗi ngày và đảm bảo các mức thuế liên quan chính xác được thanh toán.

Sắc lệnh mới của ông nêu rõ rằng miễn thuế sẽ hết hiệu lực vào ngày 2/5.

Ram Ben Tzion, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Publican, một nền tảng kiểm tra lô hàng kỹ thuật số, cho biết ông tin rằng Tổng thống Trump có ý định loại bỏ “de minimis” như một con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc.

                                         Mức thuế đối ứng mà Tổng thống Trump áp lên từng nền kinh tế (Ảnh: Truth Social).

Bởi vì nếu chính sách này thực sự bị hủy bỏ và thay thế bằng mức thuế quan cao, nó có thể định hình lại hoàn toàn hoạt động mua sắm trực tuyến theo cách mà người Mỹ vẫn biết.

Ben Tzion cảnh báo: “Nó có thể thay đổi đáng kể thương mại điện tử và thay đổi một số gã khổng lồ mua sắm mà người dùng Mỹ đã biết trong vài năm qua”.

Cơ hội cho các công ty công nghệ phần mềm

Tuy nhiên, một số công ty công nghệ, đặc biệt là những công ty đã thâm nhập vào các lĩnh vực như hậu cần và phân tích dữ liệu, có thể nhìn thấy cơ hội trong chính sách thương mại của ông Trump.

Ngay sau khi thuế quan được công bố, nhà thầu quốc phòng Palantir đã đăng một bài đăng trên blog quảng bá dịch vụ trí tuệ nhân tạo mà công ty tự hào là tích hợp nhiều nguồn dữ liệu để giúp các doanh nghiệp có thể phân tích các quyết định liên quan đến thuế quan gây ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh của công ty.

Giám đốc công ty khởi nghiệp công nghệ và hậu cần Nuvocargo, Jay Gerard cho biết, mặc dù ông ghét thuế quan, nhưng chúng đã tạo ra nhiều nhu cầu hơn cho các dịch vụ của công ty ông.

Công ty Nuvocargo hoạt động trong lĩnh vực môi giới vận tải hàng hóa giữa Mexico – Hoa Kỳ và bán phần mềm giúp khách hàng đưa hàng hóa của họ qua biên giới Hoa Kỳ, đồng thời giúp họ xử lý các tài liệu hải quan.

Công ty hiện dự báo hoạt động của khách hàng sẽ tăng lên trong tháng 4, tháng 5 và tháng 6, dự đoán rằng thuế quan sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, Giám đốc Gerard cho biết tháng qua là “hỗn loạn” đối với các nhà nhập khẩu và vận chuyển, khiến nhiều người trong số họ phải chịu chi phí cao.

Đầu tháng 3, ông Trump đã áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu của Mexico và Canada chỉ để thu hồi lại sau vài ngày.

Trong thời gian ngắn đó, Gerard cho biết, nếu một xe tải chở hàng vượt biên giới, nhà nhập khẩu sẽ phải trả phí.

“Nếu họ nhập khẩu đồ uống trị giá 100.000 đô la vào ngày hôm đó, họ đã trả 25.000 đô la tiền thuế”, ông ví dụ.

Các công ty khác chuyên về hậu cần dường như cũng dị ứng với sự hỗn loạn.

Nick Vyas, giám đốc sáng lập Viện Chuỗi cung ứng toàn cầu Randall Richard Kendrick tại Trường Kinh doanh Marshall của USC, thừa nhận rằng thuế quan cuối cùng là một loại thuế được chuyển cho người tiêu dùng: “Bạn và tôi tại một thời điểm nào đó sẽ phải trả mức thuế đó”.

Nhưng Vyas tin rằng thuế quan, nếu được thực hiện một cách chiến lược, có thể mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ trong dài hạn.

                                                                                                                                                                        Nguồn: Báo Dân trí


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *